Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Chánh Phương, phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa) về tình hình xuất khẩu bên lề sự kiện ngành gỗ HawaExpo mới đây. Theo đó, nhiều doanh nghiệp “rủng rỉnh” đơn hàng nhưng các bên khác chưa thể chạy hết công suất như những năm 2019-2021.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 43,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ là 1,12 tỷ USD, tăng gần 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 53,2%.
Chào ông, xuất khẩu sang Mỹ ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong hai tháng đầu năm, ông đánh giá thế nào về thị trường này trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Chánh Phương: Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam. Trong thời gian từ đầu năm đến nay, thị trường này tăng trưởng khả quan. Các tổ chức bán lẻ quốc tế cho biết lãi suất ở Mỹ đi ngang giúp lạm phát được kìm chế. Nhu cầu nhà ở Mỹ rất lớn, tuy lãi suất đi ngang nhưng vẫn còn cao nên người dân chưa muốn mua nhà. Khi lãi suất ổn định ở mức thấp hơn, nhu cầu về bất động sản được cải thiện, khi đó thị trường nội thất sẽ tăng lên.
Xuất khẩu hai tháng đầu năm có dấu hiệu khả quan. Liệu sự tăng trưởng này có bền vững?
Ông Nguyễn Chánh Phương: Theo tôi, giờ nói về trưởng ổn định thì rất khó vì nhiều yếu tố như địa chính trị ảnh hưởng đến tình hình kinh tế. Xung đột Nga – Ukraine khiến châu Âu cũng đang trong tình trạng bất ổn.
Doanh nghiệp Việt có thể khai thác thêm thị trường nào trong bối cảnh hiện nay?
Ông Nguyễn Chánh Phương: Thực ra, không phải doanh nghiệp không tìm thị trường mới. Năm 2023, thị trường Ấn Độ tăng 250% so với cùng kỳ nhưng giá trị tuyệt đối nhỏ. Tuy nhiên, đây cũng là điểm đến cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác. Malaysia tăng trưởng xuất khẩu gỗ vào Ấn Độ tốt vì họ tìm nhiều cách tiếp thị theo phương án bán hàng giá rẻ.
Thị trường tăng trưởng tốt nữa là Trung Quốc và các nước có nguồn gốc Hồi giáo. Việt Nam cũng có một số doanh nghiệp lớn khai khác thị trường Hồi giáo nhưng chưa nhiều. Sự quan tâm của khách hàng Hồi giáo đến Việt Nam cũng rất lớn. Các con số doanh nghiệp Hồi giáo đăng ký thông qua hội chợ cho HawaExpo lần này cho thấy điều đó.
Về đơn hàng tình hình hiện nay ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Chánh Phương: Hai tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ có sự tăng trưởng đáng kể. Chúng ta nói tăng trưởng về đơn hàng nhưng thực sự không phải làn sóng như những năm về trước. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng nhưng nhiều đơn vị chưa thể có đơn hàng để chạy hết công suất như những năm 2019-2021.
Với những doanh nghiệp có đơn hàng tăng, họ cần làm gì trong bối cảnh hiện nay?
Thứ nhất là doanh nghiệp cần cân chỉnh lại lực lượng lao động. Rất nhiều lao động đã nghỉ việc từ cuối năm trước nên doanh nghiệp có thể gọi trở lại. Sau một năm vật lộn với khó khăn về tài chính thì tới thời điểm này, lãi suất đã giảm.
Giá sản phẩm luôn là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp Việt vì khi đi vào thị trường Mỹ, họ phải cạnh tranh với nhiều nước khác, doanh nghiệp FDI tại Mỹ. Câu chuyện có đơn hàng là tin vui nhưng có đơn hàng nhưng làm sao để có lời cũng rất quan trọng.
Để có lời, năm 2023, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào hội chợ. Việc đầu tiên, họ phải có thiết kế độc đáo, đây là những doanh nghiệp FDI đầu tư lâu đời tại Việt Nam. Họ cho biết, khi đẩy mạnh thiết kế thì họ có doanh số vượt trội.
Nguồn: nhadautu.vn