Theo Cục Lâm nghiệp, thị trường thương mại đồ nội thất của thế giới rất lớn, khoảng 405 tỷ USD/năm; trong đó, nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khoảng 230 tỷ USD. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam mới chỉ chiếm trên 6% thị phần nhu cầu của toàn cầu, do đó, ngành gỗ Việt có nhiều cơ hội mở rộng, phát triển thị phần.
Theo Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong chế biến gỗ xuất khẩu, nguyên liệu chiếm từ 40 – 60% cơ cấu giá thành sản phẩm. Trong giai đoạn 2017 – 2021, nhu cầu về gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến đồ gỗ Việt Nam tăng từ hơn 34 – 41 triệu m3/năm. Nguồn nguyên liệu gỗ khai thác trong nước chiếm khoảng 77,4% nguồn cung. Trung bình mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu 5 – 6 triệu m3 gỗ quy tròn để phục vụ sản xuất. Thực tế cho thấy ngành chế biến gỗ của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu.
Ông Ngô Sĩ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết thêm, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đang có trên 5.000 doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu sang 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ 2016, Việt Nam đã cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên. Từ đó đến nay, nguồn nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam chủ yếu trông vào rừng trồng, trong đó chiếm đến 70 – 80% là cây keo. Rừng keo của Việt Nam mỗi năm cung ứng trên 30 triệu m3 gỗ nguyên liệu cung cấp cho ngành công nghiệp gỗ kể cả dăm gỗ, viên nén và sản phẩm đồ gỗ nội – ngoại thất. Ngoài ra, Việt Nam còn có gần 1 triệu ha cao su, hầu hết là cao su tiểu điền, mỗi năm cung cấp thêm từ 3 – 4 triệu m3 gỗ cho ngành chế biến gỗ.
“Năm 2023 Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu chỉ có hơn 2,1 tỷ USD, giảm 28,3% so với năm 2022. Trong đó, có 750.000m3 gỗ từ các nước nhiệt đới, chủ yếu là châu Phi, nguồn gỗ này có rủi ro rất cao. Do vậy Việt Nam đã có 2 bộ lọc, bộ lọc về loài tùy theo mức độ rủi ro và bộ lọc về vùng địa lý tích cực hay không tích cực, để gỗ nhập khẩu đảm bảo nguồn gốc hợp pháp, nhất là khi Việt Nam đang chuẩn bị thực thi quy định EUDR của EU”, ông Ngô Sĩ Hoài chia sẻ.
Những lo lắng của gỗ rừng trồng khi thực thi EUDR
Cũng theo ông Ngô Sĩ Hoài, đến cuối năm 2024, các doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô lớn ở Việt Nam sẽ phải thực thi quy định EUDR khi xuất hàng sang thị trường EU, còn những doanh nghiệp nhỏ sẽ được ân hạn đến giữa năm 2025.
Việt Nam đang có hơn 1 triệu hộ nông dân tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng. Do đó, ngành chức năng đang rất lo làm thế nào để những hộ nông dân có quy mô rừng trồng nhỏ, trên dưới 1ha có thể giải trình và cung cấp thông tin địa lý để sản phẩm gỗ chế biến từ nguồn gỗ nguyên liệu này vào được thị trường EU.
“Việt Nam có rất nhiều hộ nông dân chỉ sở hữu 1 – 2 ha rừng trồng, nhiều hộ trồng xen keo vào trang trại tổng hợp hoặc những hộ làm dịch vụ khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng quy mô nhỏ để cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Chúng tôi mong Việt Nam và EU sẽ có những cuộc đàm phán đưa ra những quy định thuận lợi để nông dân có thể thực thi EUDR. Ngoài nguồn gỗ nguyên liệu khai thác bất hợp pháp mới bị cấm, chứ gỗ khai thác hợp pháp thì góp phần vào việc cải thiện môi trường vì gỗ là vật liệu thân thiện, là vật liệu có khả năng tái sinh”, ông Ngô Sĩ Hoài chia sẻ.
Cũng theo ông Hoài, trong những năm gần đây, ngành gỗ và lâm sản Việt Nam đã tiếp rất nhiều đoàn từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, họ đều đánh giá ngành lâm nghiệp và công nghiệp gỗ Việt Nam đã đạt được nhiều thành công, đặc biệt là việc chuyển từ phụ thuộc vào rừng tự nhiên sang rừng trồng chỉ trong thời gian rất ngắn.
“Nông dân Việt Nam đã có động lực trồng rừng, đó là việc cải cách quyền sử dụng đất lâm nghiệp, vấn đề này có hiệu quả như khoán 10 trong nông nghiệp. Trước đây, hầu hết đất lâm nghiệp đều do các lâm trường quản lý, sử dụng, sau đó được giao nông dân trồng rừng, đến hôm nay Việt Nam đã có 3 – 4 triệu ha rừng trồng”, ông Ngô Sĩ Hoài khẳng định.
Thời gian sau này, gỗ rừng trồng, đặc biệt là cây keo đã khẳng định vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam. Từ thập niên 90 (thế kỷ 20), Việt Nam đã có nhà máy chế biến dăm gỗ đầu tiên, đồng nghĩa nông dân trồng rừng có địa chỉ để tiêu thụ gỗ rừng trồng. Sau đó, Việt Nam xuất khẩu gỗ xẻ, đồ gỗ nội – ngoại thất, đến nay Việt Nam đã có 4 – 5 nhóm sản phẩm cho phép ngành chế biến gỗ sử dụng hiệu quả toàn bộ sinh khối gỗ rừng trồng.
“Nguồn nguyên liệu gỗ trong nước hiện được khai thác từ trên 3,93 triệu ha rừng trồng sản xuất, có thể cung cấp được trên 30 triệu m3 gỗ/năm cho chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ”, ông Ngô Sĩ Hoài cho hay.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, đại diện Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ, trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều hoạt động thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng hấp thụ carbon từ rừng sản xuất, trong đó có Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao quản lý rừng cộng đồng; thúc đẩy phát triển sinh kế cho người dân sống cạnh rừng; tăng cường thực thi pháp luật, cải tiến kỹ thuật trồng rừng sản xuất; huy động nguồn lực quản lý, bảo vệ rừng.
Nguồn: Nongnghiep.vn