Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã có sự bứt phá mạnh mẽ khi đạt 1,49 tỷ USD, tăng trưởng tới 72,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong tháng 1/2024, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn thị trường xuất khẩu chính, chiếm 85% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ nước ta.
Đáng chú ý, tại thị trường châu Âu (EU) trong tháng đầu năm 2024 đã nổi lên “điểm sáng”, đó là xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới Hà Lan tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Hà Lan ước đạt 9,2 triệu USD, tăng 5,1% so với tháng 12/2023 và tăng tới 93,8% so với tháng 1/2023.
Lý giải “hiện tượng” này, một số chuyên gia ngành gỗ cho biết, do việc thiếu nguồn nhiên liệu nhập khẩu từ Nga nên Hà Lan đang có nhu cầu gia tăng nhập khẩu gỗ viên nén từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Hà Lan hiện là một trong các thị trường nhập khẩu gỗ lớn của Việt Nam trong EU. Tuy nhiên, Hà Lan cũng là thị trường khó tính, có nhiều quy định, tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa. Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường này thì việc đáp ứng tiêu chuẩn lại càng hết sức quan trọng.
Với thị trường Hoa Kỳ, ông Nguyễn Ngọc Hưởng, Phó Giám đốc Công ty Kim Gia nhận định, dù lạm phát tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nhưng thị trường này vẫn chứa đựng nhiều cơ hội phát triển.
“Ngay sau Tết, Kim Gia sẽ thực hiện chuyến đi tiếp cận và kết nối trực tiếp với các nhà mua hàng tại Hoa Kỳ và EU. Đây là chiến lược quan trọng khi doanh nghiệp đã có lịch sử giao dịch với các đối tác và chắc chắn sẽ mang đến những thuận lợi cho năm 2024” ông Hưởng khẳng định. Đồng thời nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển được tại thị trường Hoa Kỳ thì vẫn phải chủ động tìm đối tác.
Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (VCCI Hồ Chí Minh) phân tích, từ dữ liệu thống kê hải quan cho thấy trong tháng 12/2023, xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 10,3% so với tháng trước; tháng 1/2024 đạt gần 1,8 tỷ USD, tiếp tục tăng 10,2% so với tháng trước (chiếm trên 29% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp).
Đây cũng chính là mặt hàng duy nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD chỉ trong 1 tháng, với 32/45 thị trường xuất khẩu chính đã có tăng trưởng.
Phân tích về tương lai gần tới, ông Trần Ngọc Liêm cho rằng, dù thu về gần 1,8 tỷ USD trong tháng đầu năm 2024 nhưng ngành gỗ và nội thất của Việt Nam đang đối mặt với một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới tính bền vững. Đó là rủi ro về nguyên liệu gỗ nhập khẩu, quy định chống phá rừng của EU, yêu cầu sản phẩm gỗ có phát thải carbon thấp.
Ngoài ra, xung đột ở Biển Đỏ khiến một số hãng vận tải biển ra thông báo dừng vận chuyển hàng hoặc thay đổi lịch trình khiến cước vận tải gia tăng.
Từ góc độ doanh nghiệp, đa số doanh nghiệp nhận định triển vọng thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nói chung trong thời gian tới khó đoán định. Riêng với thị trường Mỹ, lượng tồn kho các mặt hàng còn nhiều, cộng với những diễn biến chính trị khó lường khiến cho công tác dự báo càng khó khăn hơn.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang tỏa đi các thị trường để tìm hiểu, đánh giá thực tế nhu cầu thị trường. Dự báo, phải sau tháng 6, bức tranh xuất khẩu toàn ngành gỗ mới rõ nét hơn.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), thị trường dù đã có dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số rủi ro cho ngành.
“Năm 2024, ngành gỗ vẫn nằm trong thế có nhiều bất ổn. Giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 là tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải”, ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.
Nguồn: Tạp chí Tài Chính